Thứ Ba, ngày 18/07/2023, 14:43

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và khuyến nghị

PHẠM TÚ TÀI - CHU THỊ LÊ ANH
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được Đảng xác định là động lực chính của tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Bài viết phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn về tăng trưởng kinh tế dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm cơ sở khẳng định đây là động lực mới, quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Đồng thời, bài viết cũng tập trung đánh giá thực trạng, đề xuất một số kiến nghị, giải pháp thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở Việt Nam trong thời gian tới.

Hướng trọng tâm hoạt động khoa học, công nghệ vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển chiều sâu góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế_Nguồn ảnh: https://hdll.vn/

Trong hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Tổng sản phẩm trong nước theo giá thực tế tăng từ 599 tỷ đồng năm 1986 lên hơn 6.293 nghìn tỷ đồng năm 2020[1, tr.253] đưa Việt Nam thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng ngày càng chậm dần với tốc độ trung bình đạt 7,34%/năm trong giai đoạn 1991-2000, xuống còn 6,82% giai đoạn 2001-2010 và giảm chỉ còn 6,12% giai đoạn 2011-2020. Điều này thể hiện, những lợi thế mà chúng ta dựa vào trong giai đoạn đầu của Đổi mới như thâm dụng vốn, khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng lực lượng lao động giá rẻ đã và đang mất dần ưu thế trong tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay. Giai đoạn 2021-2030 là bước đệm quan trọng, là giai đoạn bản lề, đòi hỏi phải bứt phá nâng cao năng suất để đạt được các mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra: nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước “năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[2, tr.217-218].

1. Phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững

Về mặt lý thuyết, các mô hình tăng trưởng kinh tế đều khẳng định tăng năng suất thông qua ứng dụng các nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) là động lực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững của mỗi quốc gia.

Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) - hoạt động trọng tâm của phát triển KH&CN, ĐMST - sẽ tác động đến năng suất thông qua hai kênh: (i) R&D sẽ giúp tạo ra hoạt động đổi mới quy trình cho phép các sản phẩm hiện tại được sản xuất hiệu quả hơn và/hoặc chất lượng hơn; (ii) việc phát triển năng lực hấp thụ sẽ là điều kiện để nhận dạng, đồng bộ hóa và khai thác các hoạt động ĐMST được tiến hành bởi các doanh nghiệp và các chuyên viên trong các đơn vị khác nhau và từ đó dẫn đến sự cải thiện trong năng suất[9]. Đồng thời, quá trình CĐS đặt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, là một trong các yếu tố quan trọng hỗ trợ tiếp cận nhiều hơn với thông tin và các cơ hội hợp tác R&D, từ đó tạo ra cơ hội việc làm, chuyển giao kỹ năng và hiệu quả, và minh bạch hơn trong chính trị và kinh doanh của các quốc gia[2].

Về mặt thực tiễn, số liệu phân tích tỷ trọng đóng góp của các yếu tố đầu vào đối với tăng trưởng cũng cho thấy đóng góp của năng suất luôn chiếm tỷ trọng lớn, lên tới trên 70% ở các nước phát triển và trên 50% ở các nước Đông Nam Á. Lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông được ước tính ​​có ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP từ 1,4% ở các thị trường mới nổi và lên đến 2,5% ở Trung Quốc[6]. Hơn nữa, ở cấp độ tổng thể nền kinh tế, ước tính rằng chỉ số phát triển hệ sinh thái kỹ thuật số tăng 1% có tiềm năng thúc đẩy tăng 0,13% GDP bình quân đầu người[7].

Như vậy, động lực tăng trưởng hợp lý đối với Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới là tăng năng suất với mức độ đóng góp phải ngày một cao và có xu hướng tăng lên, đạt được nhờ phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS ở quy mô toàn nền kinh tế.

2. Thực trạng phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở Việt Nam trong thời gian qua

2.1. Một số quan điểm, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Trong thập kỷ qua, phát triển KH&CN, ĐMST được nhấn mạnh trong nhiều văn bản chính sách của Nhà nước như: Quyết định 569/QĐ-TTg năm 2022 về Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành; Quyết định 36/QĐ-TTg năm 2021 về Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành; Quyết định 1269/QĐ-TTg năm 2019 về thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư... và nhiều chương trình hỗ trợ thúc đẩy KHCN cũng đã được triển khai từ 2010 như Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 (Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31/12/2010); Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia (Quyết định 677/QĐ-TTg ngày 10/5/2011); Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao (Quyết định số 348/QĐ - TTg ngày 22/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển KT-XH nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (Quyết định số 1747/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/10/2015);Chương trình phát triển tài sản trí tuệ 2016-2020 (Quyết định 1062/QĐ-TTg ngày 14/06/2016); Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016)...

Đối với ĐMST, Đảng chủ trương cần hoàn thiện 3 yếu tố: (i) Cộng đồng các doanh nghiệp; (ii) Các hộ gia đình, người dân và các tổ chức nghề nghiệp sáng tạo (giáo dục, khoa học - công nghệ); (iii) Bộ máy quản trị quốc gia. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành khung pháp lý nhằm hỗ trợ ĐMST gồm các luật: (i) Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; (ii) Luật chuyển giao công nghệ; (iii) Luật đầu tư 2020...

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó nhấn mạnh: tập trung thúc đẩy phát triển, tạo bứt phá về hạ tầng, ứng dụng và đào tạo nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông; phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân dễ dàng và bình đẳng trong tiếp cận cơ hội phát triển nội dung số, nền quản trị thông minh; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp và du lịch thông minh, đô thị thông minh. Tháng 6/2020, Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số và phát triển xã hội số. Trong khu vực quản lý Nhà nước, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Chính phủ điện tử, phục vụ cho mục tiêu quản lý vĩ mô trong điều kiện phát triển kinh tế số nói chung và nền tảng số nói riêng.

2.2. Hiện trạng phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo vào chuyển đổi số ở Việt Nam

Những đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách đã góp phần nâng cao tiềm lực và trình độ KHCN, ĐMST và CĐS của cả nước. Giai đoạn 2016-2020, số lượng đơn và văn bằng sáng chế, giải pháp hữu ích tăng tương ứng khoảng 1,6 lần và 1,7 lần so với giai đoạn 2011-2015. Cụ thể, số đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích giai đoạn 2016-2020 là 3.538 và 1.849 (tổng là 5.387); số văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích là 698 và 953 (tổng là 1.651)[8].

Đến nay, cả nước có 687 tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, 236 trường đại học, 03 khu công nghệ cao quốc gia, 13 khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 08 khu công nghệ thông tin tập trung và gần 67.000 cán bộ nghiên cứu. Bên cạnh đó, nhiều viện nghiên cứu công nghệ công nghiệp theo mô hình tiên tiến thế giới được hình thành ở cả 2 khu vực công lập và tư nhân[8]. 

Thị trường công nghệ được thúc đẩy phát triển với 15 sàn giao dịch công nghệ, 9 cơ sở ươm tạo công nghệ cao và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đồng thời đang có hơn 50 cơ sở ươm tạo và doanh nghiệp thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 186 tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp và mạng lưới các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN trên toàn quốc[8].

Nguồn lực thông tin, nền tảng số hóa được đầu tư, kết nối và chia sẻ mở trong cộng đồng. Thị trường công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển sôi động, hệ thống sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng ngày càng hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, khuyến khích sự ra đời của hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng tăng trưởng.

Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn, khoa học và công nghệ trong những năm gần đây có sự tăng trưởng về số lượng; tuy nhiên, tỷ trọng lao động hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ trong tổng số lao động trên 15 tuổi đang làm việc chiếm tỷ lệ khá nhỏ (0,5%)[7].

Sau gần 35 năm đổi mới, KH&CN, ĐMST Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực với nhiều thành tựu trong nghiên cứu, gắn bó với sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của tất cả các ngành, các lĩnh vực. Giai đoạn 2011-2020, năng suất nhân tố tổng hợp toàn nền kinh tế tăng từ 33,5% giai đoạn 2011-2015 lên 45,7% giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 50% năm 2020[7].

Tuy nhiên, hệ thống này cũng vẫn còn có những điểm tồn tại như: (i) Điều kiện khung không đầy đủ và không khuyến khích đổi mới; (ii) Khả năng tiếp cận tài chính của các doanh nghiệp còn hạn chế; (iii) Hoạt động nghiên cứu khu vực công còn yếu; (iv) Những khiếm khuyết về cơ sở hạ tầng KHCN và CNTT; (v) Ít đổi mới và thậm chí ít năng lực R&D trong lĩnh vực kinh doanh; (vi) Cơ sở thông tin kém phát triển nghiêm trọng để hoạch định chính sách đổi mới; (vii) Các thỏa thuận quản trị và thực thi chính sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn chưa phù hợp.

3. Kiến nghị giải pháp thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030 

Chủ trương “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” _ Nguồn ảnh: https://hdll.vn/

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã xác định phương hướng: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”[1]. Để thực hiện thành công nhiệm vụ trên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách, với những cơ chế đặc thù để khuyến khích và thúc đẩy ĐMST, CĐS trong khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng như khu vực công, nhất là hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ công. Quan trọng nhất là cần có những cơ chế, chính sách phù hợp, thể hiện sự tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động KH&CN.

Hai là, tiếp tục đổi mới cơ chế đầu tư và tài chính cho KH&CN, ĐMST và CĐS trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên chỉ số đo lường kết quả, hiệu quả đầu ra. Linh hoạt và đơn giản hóa thủ tục tuyển chọn nhiệm vụ KH&CN, thanh quyết toán tài chính theo thông lệ quốc tế, giảm tối đa các gánh nặng hành chính cho các nhà khoa học. Cần có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp KH&CN, ĐMST và CĐS về mặt tài chính. Nếu được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, vay vốn tín dụng đầu tư, thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước, tổ chức nghiên cứu khoa học trong đó có doanh nghiệp sẽ tập trung được nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho KH&CN, đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, không ngừng tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng và sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, cần chủ động và xây dựng các cơ chế mở để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn phục vụ đầu tư phát triển KH&CN, CĐS. Thậm chí, có thể xây dựng cơ chế lấy nguồn từ ngân sách nhà nước (NSNN) để đầu tư có tính chất đặt hàng cho các nghiên cứu mang tính khám phá, kỳ vọng có các ứng dụng hữu ích trong tương lai, từ đó chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và xã hội hóa các kết quả nghiên cứu đó lan tỏa rộng trong khu vực tư nhân.

Điều này sẽ thúc đẩy phát triển nghiên cứu khoa học khu vực công, sử dụng ngân sách nhà nước và các khoản đầu tư công trong thực hiện vai trò tiên phong, chấp nhận rủi ro của Nhà nước trong phát triển KH&CN thúc đẩy ĐMST và chuyển đổi số.

Ba là, có cơ chế quản lý nhà nước về KH&CN, ĐMST và CĐS và thực thi chính sách không ngừng cải tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN tại cơ sở. Hệ thống ĐMST quốc gia phải được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm, đưa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm thương mại phục vụ trực tiếp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Bốn là, tiếp tục đầu tư cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông bên cạnh việc tăng cường trang thiết bị nghiên cứu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành; kiên trì đầu tư tăng cường tiềm lực thông tin KH&CN phục vụ quản lý.

Năm là, cải tổ bộ máy quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực quản lý KH&CN, CĐS; đổi mới tư duy quản lý để ứng phó kịp thời với các thay đổi không ngừng và nhanh chóng của hệ sinh thái ĐMST và CĐS; áp dụng công nghệ kỹ thuật cao trong quản lý hoạt động KH&CN để giảm thủ tục hành chính đối với các nhà khoa học, tổ chức KH&CN.

Ngoài ra, để đẩy mạnh ĐMST và CĐS trong khu vực tư nhân cần xây dựng môi trường ĐMST và CĐS, văn hóa ĐMST và CĐS trong từng doanh nghiệp, hình thành tư duy đổi mới lan tỏa từ người lãnh đạo tới nhân viên cấp thấp nhất của doanh nghiệp. Có như vậy, doanh nghiệp mới thực sự trở thành trung tâm của hệ thống KH&CN và ĐMST, CĐS quốc gia. 

Kết luận

KH&CN, ĐMST và CĐS vừa là chìa khóa quan trọng tăng NSLĐ trong nội tại nền kinh tế, vừa là yếu tố nền tảng quyết định năng lực của một quốc gia trong việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Vì vậy, trong giai đoạn tới, các chính sách thúc đẩy năng suất cần tác động toàn diện, tích cực và đồng bộ tới hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, gồm chính sách đối với các viện nghiên cứu, trường đại học thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tạo ra tri thức, công nghệ và chính sách đối với các doanh nghiệp để doanh nghiệp thực sự phát huy vị trí trung tâm của hệ thống ĐMST và CĐS, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.

 Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[2] Finger, G. (2007), Digital Convergence and Its Economic Implications, Development Bank of Southern Africa.

[3] Phạm Văn Linh (2021), Những điểm mới trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, http://hdll.vn

[4] Quốc Hội (2013), Luật Khoa học và Công nghệ.

[5] Katz, R. (2017), Social and Economic Impact of Digital Transformation on the Economy, International Telecommunication Union (ITU).

[6] Kvochko, E. (2013), Five ways technology can help the economy, World Economic Forum.

[7] Tổng cục thống kê (2021), https://www.gso.gov.vn

[8] Viện năng suất Việt Nam (2021), Báo cáo năng suất Việt Nam 2020, Hà Nội.

[9] Zahra và George (2002), Absorptive Capacity: A Review, Reconceptualization, and Extension, The Academy of Management Review, 27(2).

Đọc thêm

Phát huy “Hào khí” Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới

Tác giả: Nguyễn Văn Nghĩa

(GDLL) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3 đến 7-5-1954) đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần đưa hội nghị Giơ-ne-vơ đến thành công; là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam. Từ “hào khí” chiến thắng Điện Biên Phủ, bài viết gợi mở những nội dung phát huy "hào khí" đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Tính độc đáo của nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”

Tác giả: Bùi Giang Nam

(GDLL) - Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nền đối ngoại, ngoại giao (bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân) luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Trên cơ sở phân tích đường lối đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới và những thành tựu đã đạt được, bài viết làm sáng tỏ tính độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam hiện nay, đó là nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”.

Thực hiện chủ trương của Đảng về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh

Tác giả: ThS Lê Quốc

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng”(1), chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Bài viết làm rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự đổi mới trong nhận thức và thực tiễn phát triển doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ đổi mới. Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển các công ty và tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao trong những năm tiếp theo.

Nâng cao phúc lợi xã hội cho nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII

Tác giả: TS. Đỗ Văn Quân - ThS. Nguyễn Trọng Tuân

(TG) - Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, một trong những giải pháp để bảo đảm cho sự tiến bộ và công bằng xã hội trở thành hiện thực trên đất nước ta là thực hiện tốt phúc lợi xã hội.

Nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tác giả: Nguyễn Mai Phương

(GDLL) - Thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi to lớn về mặt khoa học, công nghệ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Bài viết nghiên cứu về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay; Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.